Chào mừng bạn đến với Công ty CP thức ăn chăn nuôi Đồng Tâm

Kỹ thuật nuôi cút lấy trứng

Cách nuôi chim cút đẻ trứng - Hướng dẫn chi tiết đầy đủ từ A-Z

 

Về mặt sinh học, có thể khẳng định không có giống gia cầm nào có năng suất trứng cao như chim cút. Khi được nuôi trong điều kiện thuận lợi, cung cấp đầy đủ dinh dưỡng thì chỉ từ 40 ngày tuổi chúng đã bắt đầu đẻ, trọng lượng trứng bằng 1/10 khối lượng cơ thể. Để đáp ứng nhu cầu mở rộng quy mô chăn nuôi chim cút của bà con, khomay3a.com sẽ tiếp tục chia sẻ cách nuôi chim cút đẻ trứng. Bà con tham khảo và áp dụng nhằm tăng hiệu quả kinh tế cho chính mô hình của mình.

1. Điều kiện chuồng nuôi chim cút

Vì chim cút đã được thuận hóa và gần như mất hết khả năng tự kiếm mồi, ấp trứng nên phương thức nuôi phổ biến hiện nay là nuôi công nghiệp, nhốt chuồng hoàn toàn chứ không thể nuôi theo hình thức quảng canh, bán thâm canh như gà vịt. Yêu cầu về điều kiện chuồng nuôi như sau:

Nhiệt độ

Đối với chim cút non nên duy trì từ 24 - 35 độ C, với chim cút đẻ trứng nên duy trì từ 18 - 25 độ C. Không nên để nhiệt độ ngày và đêm chênh lệch quá cao sẽ khiến chúng bị stress, giảm năng suất, ảnh hưởng đến hoạt động sinh lý và chu kỳ đẻ trứng.

Độ thoáng khí

Yêu cầu chuồng nuôi phải thông thoáng, thường xuyên được dọn dẹp sạch sẽ. Trong chuồng có 21% oxy, các loại khí độc như NH3 và H2S không được vượt quá 0,3%.

Yên tĩnh

Âm thanh, ánh sáng và người lạ sẽ khiến cho chim bị kích động. Do đó để tránh làm ảnh hưởng đến hoạt động sinh sản, yêu cầu không gian chuồng và xung quanh phải yên tĩnh, không xáo trộn.

Đề phòng tác nhân gây hại như mèo, chuột, rắn, rết

Chim cút có thể trọng nhỏ nên chuồng nuôi cần thiết kế sao cho đảm bảo an toàn, đề phòng chuột, mèo cắn chết trong đêm. Nếu phát hiện trong chuồng có chuột, mèo, rắn… thì phải có biện pháp khắc phục càng nhanh càng tốt.

2. Chuồng nuôi chim cút đẻ trứng

Vi trí làm chuồng

Chuồng nuôi cần được xây dựng ở nơi có địa hình bằng phẳng, cao ráo, thoát nước tốt, thuận tiện cho việc chăm sóc, vận chuyển, xử lý các chất thải, thực hiện công tác phòng trừ dịch bệnh. Tuy nhiên cần xem xét cách xa khu dân cư, khu chợ để tránh lây lan mầm bệnh và làm ô nhiễm môi trường.

Xung quanh khu vực chuồng phải có hàng rào bảo vệ, có thể dùng lưới thép B40 quây kín tránh trộm cướp, chuột, mèo, chó.. Nếu thuận lợi thì nên trồng thêm một số cây xanh xung quanh tạo bóng mát, giúp không khí dễ chịu, hạn chế khí độc từ quá trình nuôi.

Kiểu chuồng nuôi phù hợp

- Chuồng công nghiệp khép kín

Đối với các trang trại có quy mô rộng lớn thì nên thiết kế theo kiểu chuồng công nghiệp khép kín, bên trong có hệ thống điều hòa quạt gió, giàn lạnh. Các dãy chuồng được thiết kế song song, ở giữa có lối đi thuận tiện cho việc chăm sóc.

 

- Chuồng lồng hoặc sàn

Kiểu chuồng phù hợp với quy mô vừa phải có sàn lồng làm bằng sắt hoặc lưới thép, tre, gỗ. Phần khung chuồng có thể làm bằng gỗ để tiện kiệm diện tích. Chuồng nuôi thông thoáng có rèm che chắn nắng gió bên ngoài. Với các nông hộ nhỏ lẻ có thể tận dụng chuồng nuôi trâu bò, lợn để cải tạo và nuôi chim cút đẻ trứng.

 

Diện tích chuồng nuôi cút

Diện tích chuồng nuôi cút phụ thuộc vào quy mô, số lượng và mức độ cơ giới hóa của mỗi trang trại. Tuy nhiên yêu cầu khoảng cách tối thiểu giữa hai dãy chuồng phải gấp 2,5 lần chiều rộng của lồng nuôi, tức là từ 20 - 25cm.

Bà con có thể làm chuồng 2 mái hoặc 4 mái 2 lớp để cách nhiệt, thoáng mát về mùa hè, theo đó mái dưới cách mái trên từ 40 - 50cm. Bên trên mái phải có trần cách nhiệt bằng tấm xốp, bông thủy tinh dày dặn hoặc dùng gỗ dán, cót ép…

Lồng úm

Lồng úm chim con có kích thước 1,5 x 1,0 x 0,5m. Ở mỗi lồng đều có chân kê cao, cách mặt đất tối thiểu 0,5m. Khung lồng có thể đóng bằng gỗ tự nhiên chắc chắn, sử dụng lưới thép có diện tích 1m2 để quây xung quanh.

Phần đáy lồng phải lót giấy hoặc bìa, che kín lại để chim non không bị lọt chân xuống dưới.

Lồng chim lớn

Kích thước lồng nuôi chim lớn là 1,0 x 0,5 x 0,2m, có thể nuôi được từ 20 - 25 con chim mái đẻ trứng. Vật liệu làm chuồng có thể nẹp gỗ, lồng kẽm hoặc lưới thép.

Bà con có thể làm nhiều lồng chồng lên nhau, khoảng từ 5 - 6 tầng, khoảng cách giữa các tầng là 12 - 18cm để đảm bảo độ thông thoáng. Nếu không thực hiện đúng kỹ thuật thì tỉ lệ chết rất cao, thực tế tình trạng này đã xảy ra ở nhiều hộ nuôi cút đẻ trứng.

 

 

Khi làm chuồng nuôi cút đẻ trứng, cần lưu ý những điểm sau:

  • Chiều cao của mỗi lồng không nên vượt quá 0,2mm, nếu không chúng sẽ bay dựng lên, có khả năng đập đầu vào trần và chết.

  • Bên trên mỗi nóc lồng phải làm bằng vật liệu mềm tránh tính trạng chúng bị đập đầu vào.

  • Phía dưới phần đáy của mỗi lồng có khay bằng cót ép hoặc gỗ dán mỏng có thể kéo ra kéo vào dùng để hứng trứng và phân, độ dốc từ 2 - 3% có mép gờ cao, nhô ra ngoài khoảng 10cm.

  • Các lồng trong chuồng nuôi sẽ được đặt cách nhau từ 1,2 - 1,5m để thuận tiện cho việc chăm sóc, thu nhặt trứng.

  • Chuồng kê cách tường bên trong tối thiểu 50cm chống chuột.

Máng ăn máng uống

 

Các loại máng ăn phổ biến như máng dài bằng tôn, nhựa, máng ăn tự động, máng P50. Máng ăn treo phía trước lồng, ở lối đi, đặt phía trên khay hứng phân.

Máng uống có thể dùng loại gallon, máng uống tự động hoặc núm uống. Đặt máng uống ở một góc, thẳng với máng ăn, treo chắc chắn.

 

Trước khi treo, cả máng ăn và máng uống đều phải được sát trùng với dung dịch formol 1% từ 10 - 15 phút rồi rửa lại bằng nước sạch, phơi khô, đảm bảo an toàn.

Thiết bị sưởi

Đối với lồng úm chim con thì trông lồng phải có đèn sưởi bằng bóng điện hoặc đèn hồng ngoại. Ví dụ dùng đèn hồng ngoại 50W treo ở độ cao từ 45 - 60cm, có thể nuôi được 300 - 500 con cút non.

Hệ thống rèm che

Đối với kiểu chuồng lồng hoặc sàn không xây tường gạch xung quanh mà chỉ dùng lưới thép, bà con cần chuẩn bị hệ thống rèm che chắn bên ngoài để ấm áp về mùa đông, thoáng mát về mùa hè, tránh mưa hắt.

Rèm che có thể làm bằng vải bạt, bạt, bao tải, cót ép…                                            

3. Chọn chim cút giống

Yêu cầu chung

Nuôi công nghiệp hiện nay phổ biến là giống chim cút Nhật Bản và chim cút Mỹ:

  • Chim cút Nhật nuôi ở nước ta có thể đẻ từ 380 - 420 quả trứng/năm/mái, tỉ lệ đàn mài thường từ 85 - 90%. Cút mái sau khi hết thời kỳ khai thác trứng vẫn có thể bán được thịt.

  • Chim cút Mỹ mái chỉ đẻ khoảng từ 123 - 129 quả trứng/năm/mái, khi đẻ, tỷ lệ hao hụt con mái khoảng 5%. Do đó giống này không phù hợp nếu nuôi lấy trứng chim cút. Tuy nhiên, tỷ lệ nuôi sống đạt từ 92 - 95%, cơ thể tăng trưởng nhanh, thích hợp với mô hình nuôi lấy thịt.

Khi chọn giống, yêu cầu chung là đời bố mẹ phải khỏe mạnh, sức đề kháng tốt, có khả năng sinh sản cao, chất lượng và năng suất đồng đều. Không chọn những con đồng huyết, cận huyết, có nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng.

 

Chọn chim trống

Ngoại hình phải đảm ứng các tiêu chí: Khỏe mạnh, nhanh nhẹn, lông bóng mượt, thân hình gọn, đầu nhỏ, cổ ngắn, ngực nở, lông ở phần ngực có màu vàng.

Cút trống trên 6 tuần tuổi có túi tinh lớn ở sau đuôi và bắt đầu biết gáy. Từ 8 - 10 tuần tuổi mỏ dưới có màu đen.

Đối với hình thức nuôi chim đẻ trứng thương phẩm, không ấp trứng thì bà con không cần chọn chim trống mà chỉ chọn và nuôi chim mái.

Chọn chim mái

Ngoài hình phải đảm bảo các tiêu chí: Khỏe mạnh, nhanh nhẹn, lông bóng mượt, đầu thanh, cửa nhỏ, xương chậu rộng, lông ở phần ngực có màu trắng đen, hậu môn nở, da hồng, mềm mại, có khối lượng cơ thể lớn hơn chim cút giống cùng lứa.

Cút mái trên 6 tuần tuổi không có bầu tinh, không biết gáy. Từ 8 - 10 tuần tuổi phần mỏ dưới có màu vàng nhạt hoặc vàng đục.

4. Kỹ thuật nuôi chim cút đẻ trứng

Thức ăn cho chim cút

Chim cút đẻ trứng ăn gì? Thức ăn của chim cút được chia thành các nhóm sau:

  • Thức ăn tinh: ngô, cám gạo, đậu xanh…

  • Thức ăn cung cấp chất đạm: dầu mỡ, đậu tương (cung cấp được từ 30 - 38% protein thô cho chim), khô dầu lạc, khô dầu đậu tương, khô dầu hướng dương, khô dầu bông, khô dầu lanh, khô dầu dừa, bột cá, bột thịt xương, bột thịt xương gia cầm, bột máu

  • Các thức ăn bổ sung như vitamin, premix khoáng...

Nguồn thức ăn khi nuôi chim cút đẻ trứng có thể tận dụng từ nông nghiệp, phế phẩm của ngành chế biến thực phẩm để tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên cần tiến hành bảo quản, tránh ẩm mốc, mối mọt.

Bà con có thể phối trộn các nguyên liệu ở trên và sử dụng máy ép cám chim để chủ động làm cám chăn nuôi chim cút. Cách này đảm bảo an toàn, hạn chế lây lan mầm bệnh từ bên ngoài, tối ưu hóa các chi phí phát sinh trong quá trình chăn nuôi.

 

Công thức phối trộn thức ăn cho chim cút đẻ trứng:

Để tự sản xuất thức ăn tinh, cám viên cho cút đẻ trứng, bà con có thể tham khảo thêm công thức phối trộn dưới đây:

Nguyên liệu (%)

Công thức 2

Công thức 3

Công thức 4

Ngô

28

38

25

Cám gạo

7

8

10

Tấm

 

 

10

Khô dầu lạc

25

10

13

Đậu tương rang

8

26

15

Đậu xanh

2

5

10

Bột cá nhạt

17,5

5

12

Bột xương

1,5

2

1

Bột sò

7

5

3

Premix khoáng, vitamin

1

1

1

ADE gói 10gr

 

 

4 gói

Nguồn thức ăn cần được bảo quản ở nhiệt độ từ 15 - 20 độ C, độ ẩm từ 50 - 60%, kê cao cách nền 50cm, cách tường nhà 20cm hạn chế mối mọt, ẩm mốc.

Cung cấp nước uống

Các nguồn nước uống nuôi chim cút đẻ trứng có thể lấy từ nước giếng khoan, nước giếng đào, nước máy, nước mưa, nước sông nhưng cần có biện pháp lọc, khử clo… đảm bảo độ trong suốt, không có lẫn hợp chất vô cơ hay hữu cơ. Nước uống không được quá nóng hoặc quá lạnh.

Đối với chim cút đẻ trứng, cần cung cấp trung bình từ 50 - 100ml nước sạch/con/ ngày. Để chim uống nước tự do và sau mỗi lần cho ăn.

Cách chăm sóc chim cút đẻ trứng cho hiệu quả cao

  • Mật độ nuôi

 

Cút hậu bị

Cút sinh sản

Nuôi trên nền (con/m2)

20 - 30

15 - 20

Nuôi trên lồng (con/0,5m2)

20

18 - 20

  • Nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng thích hợp giai đoạn đẻ trứng

Giai đoạn đẻ trứng, nhiệt độ thích hợp cho chim mái cần duy trì 20 độ C, nếu lên đến 30 độ C hoặc xuống thấp 5 độ C đều gây nguy hiểm.

Độ ẩm thích hợp trong giai đoạn đẻ là từ 65 - 70%, về mùa đông không nên để vượt quá 80%.

Chim mái đẻ trứng cần chiếu sáng trung bình từ 14 - 16 giờ/ngày, nên chiếu vào buổi tối từ 18 - 22 giờ. Cường độ khoảng 1 - 1,5W/m2 nếu là chuồng kín và từ 2 - 4W/m2 nếu là thuồng thông thoáng.

  • Nhu cầu dinh dưỡng

Để đạt được năng suất trứng cao nhất, bà con cần quan tâm đến nhu cầu dinh dưỡng và bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho chim:

- Kcal: 2800 - 2900 Kcal/kg TĂ

- Protein thô: 20%

- Canxi: 2,5 - 4,5%

- Photpho: 0,4%

Định mức nguồn thức ăn cần cung cấp cho chim cút đẻ trứng hàng ngày là 20 - 25g/con/ngày, chia làm 2 lần ăn trong ngày.

  • Kỹ thuật cho chim cút đẻ ăn

Cút mái đẻ trứng theo một chu trình khá rõ ràng. 11 tuần tuổi bắt đầu đẻ trứng, từ 15 - 16 tuần tuổi năng suất trứng đạt rất cao, có thể lên đến 95 - 98%, duy như như vậy đến khoảng 7 - 8 tuần thì giảm dần. Như vậy, ượng thức ăn cung cấp cho chim cút mái sẽ phụ thuộc vào tỷ lệ đẻ hàng ngày.

 

Từ khi bắt đầu đẻ bói đến khi tỉ lệ đẻ đạt cao nhất

Quan sát nếu thấy tỷ lệ đẻ tăng 3% thì bà con nên cung cấp lượng thức ăn cao nhất vào thời điểm tỷ lệ đẻ đạt 35%.

Nếu tỷ lệ đẻ tăng từ 2 - 3% mỗi ngày thì lượng thức ăn cao nhất khi tỉ lệ đẻ đạt 45%.

Nếu nếu tỷ lệ đẻ chỉ tăng từ 1 - 2% thì cần cho ăn lượng thức ăn cao nhất vào lúc đạt tỷ lệ đẻ 55%.

Nếu tỷ lệ đẻ hàng ngày tăng dưới 1% thì cần cho ăn lượng thức ăn cao nhất vào thời điểm con mái đạt tỷ lệ đẻ 65 - 75%.

Sau thời kỳ đàn chim đẻ đạt tỉ lệ cao

Khi tỷ lệ đẻ trứng chim cút bắt đầu giảm, bà con cần giảm đồng thời cả lượng thức ăn xuống khoảng 10%, nếu không con mái sẽ bị thừa năng lượng, tích mỡ, quá béo cũng khiến cho tỷ lệ đẻ giảm rất nhanh, lượng trứng thu được bé.

Đồng thời cần bổ sung thêm sỏi có đường kính từ 1 - 2mm cho mỗi lồng chim, đặt phía bên ngoài cho chim cút mái ăn tự do.

 

  • Chăm sóc định kỳ

Bà con cần quan sát lượng thức ăn hàng ngày của chim, để điều chỉnh cho phù hợp. Những con cút mái quá béo hoặc quá gầy đều nên tách riêng lồng nuôi để có chế độ ăn uống hợp lý nhất.

Theo dõi tình trạng sức khỏe của cả đàn. Những con chim mái có lông xơ xác, buồn bã, có dị tật, mái đẻ kém hoặc không đẻ… nên loại ra khỏi đàn để tránh làm ảnh hưởng đến năng suất.

 

Tiến hành cân khối lượng của chim cút hàng tuần, cân khoảng 10% tổng số đàn để có hướng điều chỉnh thức ăn và chăm sóc đúng cách.

Tiến hành thu nhặt trứng 2 lần/ngày, thu ngay sau khi đẻ trứng. Trong quá trình thu, nên chọn lọc và loại thải những quả trứng chim cút có vỏ sần sùi, méo mó, bị dập vỏ.

Vệ sinh chuồng nuôi

Tiến hành vệ sinh chuồng nuôi định kỳ. Phun thuốc sát trùng 1 lần/tuần cho toàn bộ chuồng nuôi. Các khu vực xung quanh cần phun 3 ngày/lần. Đồng thời phát quang bụi rậm, sát trùng tiêu độc để tránh mầm bệnh lây lan, gây hại.

Đối với các mô hình nuôi trên nền chuồng, cần đảm bảo chất độn chuồng khô ráo, tơi cốt, nếu bị ẩm ướt thì phải hót đi ngay.

Ổ đẻ, chuồng nuôi cần được lau chùi hàng ngày. Loại bỏ thức ăn thừa và nước uống sau mỗi ngày. Dọn dẹp và thay vỉ hứng phân hàng ngày.

 

Kết luận:

Chim cút nhỏ, dễ nuôi, ít bệnh và đẻ nhiều trứng hơn gà, vịt. Bà con nên áp dụng đúng cách nuôi chim cút đẻ trứng ở trên để giảm thiểu rủi ro và đạt năng suất cao nhất trong chăn nuôi. Chúc bà con thành công với mô hình nuôi cút đẻ trứng.

 

0976.964.019