Chào mừng bạn đến với Công ty CP thức ăn chăn nuôi Đồng Tâm

Phòng Bệnh

Bí quyết phòng bệnh cho gia súc, gia cầm

Bài viết giới thiệu bí quyết phòng bệnh cho gia súc gia cầm trong chăn nuôi của gia đình anh Ngô Văn Sỹ và chị Lê Thị Thành, ở thôn 1 xã Nguyễn Huệ, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh.

 

 Trong khi người dân chăn nuôi trong vùng bị thiệt hại nặng nề khi có dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm thì riêng trang trại lợn, gà của gia đình anh Ngô Văn Sỹ và chị Lê Thị Thành, ở thôn 1 (xã Nguyễn Huệ, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh) lại không hề bị ảnh hưởng bởi đợt dịch bệnh. Trang trại này luôn có hàng trăm con lợn thịt và nhiều lợn sinh sản, 3.000 đến 5.000 con gia cầm, tổng doanh thu mỗi năm ước đạt 5-7 tỷ đồng; trong đó lãi ròng trên 500 triệu đồng.

Trong khi dịch bệnh lây lan trong không khí thì vị trí trang trại của gia đình anh Sỹ nằm đón gió hướng Tây nên nguy cơ mắc dịch bệnh còn cao hơn rất nhiều hộ trên địa bàn. Vậy bí quyết gì đã giúp trang trại của anh miễn dịch với cơn bão dịch bệnh?

Theo anh Sỹ, nguyên tắc sống còn trong quá trình chăn nuôi chính là quản lý chặt chẽ quy trình tiêm vắc xin phòng bệnh cho vật nuôi. Cụ thể, tất cả số lợn, gà nhà anh đều được tiên vắc xin đúng số lần, đúng ngày tuổi. Anh Sỹ cho biết: “Đối với lợn, ngay từ khi lợn lái mang thai đã phải tiến hành tiêm vắc xin phòng bệnh. Lợn con sau khi ra đời được 7 ngày tiêm tiếp và sau đó nhắc lại định kỳ đúng thời điểm. Đối với gia cầm cũng vậy, ngay khi lấy giống từ lò ấp ra 1 ngày phải tiêm vắc xin luôn, sau đó nhỏ vắc xin và tiêm nhắc lại định kỳ. Điều lưu lý trong quy trình phòng bệnh này là việc tiêm vắc xin phải được thực hiện đều đặn, đúng chủng loại, đúng định kỳ và không bỏ sót một cá thể nào trong đàn. Đặc biệt khi các vùng lân cận xuất hiện các loại dịch bệnh lạ thì phải nắm bắt tìm hiểu và tiêm phòng vắc xin loại dịch bệnh đó cho vật nuôi trong trang trại ngay. Ngoài ra, mặc dù đã tiến hành tiêm vắc xin phòng bệnh trước đó rồi, song trong thời điểm dịch bệnh đang bùng phát vẫn có thể tiêm thêm một liều nữa để tăng cường sức đề kháng, tăng khả năng chống lại bệnh tật cho vật nuôi...”.

Tuân thủ đúng nguyên tắc này nên kể từ khi bắt đầu phát triển chăn nuôi lợn, gà (từ những năm 2005) đến nay, trang trại nhà anh Sỹ đều không bị thiệt hại về dịch bệnh. Anh Sỹ khẳng định: “Có thời gian các dịch bệnh bùng phát rất mạnh và liên tiếp, như bệnh dịch lở mồm long móng, xuất huyết trên lợn, cúm gia cầm…, nhiều gia đình trong xã đều lao đao, thua lỗ thì nhà mình vẫn bình yên vô sự”. Chị Thành cho biết thêm: “Chăn nuôi thời buổi này khó khăn lắm, trong khi chi phí cao mà doanh thu lại thấp. Tính ra đầu vào từ con giống, đến thức ăn đều đắt đỏ mà đầu ra lại phụ thuộc vào sức mua của thị trường nên rất thất thường, lúc cao lúc thấp. Ví như thời điểm này người chăn nuôi đang rất khó có lãi bởi giá thu mua của thương lái quá thấp. Bởi vậy, nếu chỉ cần mình để giảm đầu con đã bị thua lỗ rồi chứ không nói đến việc bị bệnh dịch mà chết đi phần lớn hay mất cả đàn thì trắng tay, phá sản luôn”.

Các cụ ta xưa đã từng nói, “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, chính nhờ tuân thủ nghiêm quy trình tiêm vắc xin phòng bệnh cho vật nuôi đã giúp cho trang trại của anh Sỹ không chỉ bảo toàn được đồng vốn mà còn sinh lời. Tuy nhiên để làm được điều này, các hộ chăn nuôi luôn phải cập nhật những kiến thức về tình hình dịch bệnh; đồng thời, trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết trong việc triển khai tiêm phòng vắc xin đúng quy chuẩn.

Bên cạnh đó, bà con có thể thực hiện các biện pháp sau để phòng bệnh hiệu quả cho đàn gia súc, gia cầm:

Đối với chuồng trại:

- Không nuôi gia cầm, thủy cầm chung với gia súc.

- Không nuôi xen nhiều vật nuôi khác lứa tuổi. Sau mỗi lứa xuất chồng phải để trống chuồng 2-3 tuần, xử lý vệ sinh diệt trùng chuồng trại đúng kỹ thuật rồi mới nuôi lứa khác.

- Phun thuốc khử trùng 2-3 tuần/lần để vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại và các khu vực xung quanh.

- Rải vôi bột quanh chuồng nuôi và lối đi.

- Khơi thông cống rãnh để thoát nước thải.

Đối với người trực tiếp chăm sóc vật nuôi:

- Mang khẩu trang, găng tay cao su khi tiếp xúc vật nuôi

- Rửa tay bằng xà phòng, tiêu độc khử trùng quần áo, giày ủng, dụng cụ trước và sau khi tiếp xúc vật nuôi.

Đối với vật trung gian:

Phải kiểm soát cả chó, mèo, chim, chuột, dụng cụ chăn nuôi để tránh lây lan và phát tán mầm bệnh sang người hoặc gia súc, gia cầm khác.

Đối với gia súc, gia cầm:

- Tiêm phòng đầy đủ các loại vacxin:

+ Đối với lợn: lở mồm long móng, tụ huyết trùng, phó thương hàn, tả

+ Đối với trâu, bò: lở mồm long móng,  tụ huyết trùng

+ Đối với dê, cừu: đậu dê, lở mồm long móng

+ Đối với gà: cúm gia cầm, gumboro, newcastle, tụ huyết trùng

+ Đối với vịt:  cúm gia cầm, dịch tả, tụ huyết trùng  

- Tẩy ký sinh trùng đường máu và nội ký sinh trùng, ngoại ký sinh trùng trâu cho, bò, bê, nghé.

- Thường xuyên kiểm tra sức khỏe, phát hiện sớm dịch bệnh. Quan tâm đặc biệt đến gia súc già yếu và gia súc non mới đẻ.

- Cách ly, chăm sóc cẩn thận gia súc, gia cầm ốm, yếu.

- Khi có trâu bò chết rải rác, gia cầm chết hàng loạt, phải báo cho chính quyền địa phương và cơ quan thú y, không giấu dịch, không bán chạy gia súc, gia cầm bị bệnh truyền nhiễm. Nếu xác định gia súc, gia cầm bị chết do bệnh truyền nhiễm thì phải khử trùng chuồng trại và đem chôn xác gia súc, gia cầm theo quy định, không quăng xác gia súc, gia cầm chết xuống kênh mương, đồng ruộng làm lây lan dịch bệnh.

0976.964.019